​(Xây dựng) - Tại Hội nghị phản biện dự án bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Marina Complex Đà Nẵng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP Đà Nẵng vào sáng ngày 07/5 đã có nhiều ý kiến phản biện đối với số phận dự án.

(Xây dựng) - Tại Hội nghị phản biện dự án bất động sản (BĐS) và bến du thuyền Marina Complex Đà Nẵng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP Đà Nẵng vào sáng ngày 07/5 đã có nhiều ý kiến phản biện đối với số phận dự án.

Đã có 13 ý kiến tham gia phản biện đối với việc dừng hay không dừng dự án BĐS và bến du thuyền Marina Complex tại Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng: “Vừa qua Đà Nẵng đã tốn bao công sức và công quỹ để giành lại mấy lối đi xuống biển. Không chừng trong tương lai cũng sẽ phải tốn bao công sức và công quỹ để giành lại mấy lối đi ra bờ sông. Đối với việc quyết định cho tiếp tục triển khai dự án dễ hơn nhiều so với quyết định không cho tiếp tục triển khai dự án.

Bởi vì trong chuyện này lỗi không phải của nhà đầu tư. Nếu lãnh đạo thành phố quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không do lỗi của họ. Đó là chưa kể hệ lụy dây chuyền trong quá trình rà soát tất cả dự án đang và sắp kè bờ lấn sông trên toàn tuyến sông Hàn. Không khéo sẽ rơi vào tình trạng giải quyết rất triệt để nhưng mà chỗ “triệt”, chỗ “để”.

Theo ông Trần Văn Thiết - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thì:” Không phải ngẫu nhiên mà khi làm dự án này Tập đoàn VinaCapital đề xuất cụm từ BĐS vế đầu, còn bến du thuyền vế sau. Thực chất đây là dụng ý và mục đích của tập đoàn này, bởi vì đối với các nhà kinh doanh, các đơn vị kinh doanh thì lợi ích trong kinh doanh là trên hết, quan trọng hơn cả, còn lợi ích xã hội và lợi ích cho dân có đề cập đến, nhưng là thứ yếu. Chính vì thế, trên phần đất lấn sông Hàn có diện tích trên 63.000m2 quy hoạch xây dựng 13 khối nhà cao tầng và 57 biệt thự, chưa kể các công trình xây dựng khác... điều này tôi nhận thấy dự án “Bất động sản và Bến du thuyền” chưa thật sự ổn”.

GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Khoa Xây dụng Thủy lợi - Thủy điện, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì cho rằng: “Cần đảm bảo không cản trở dòng chảy lũ trên sông Hàn cũng như để cho cảng Tiên Sa làm việc lâu dài, không bồi lắng là rất quan trọng. Về ảnh hưởng thoát lũ cũng như bồi lắng cảng Tiên Sa khi xây dựng khu lấn biển ở vịnh Đà Nẵng ở phía bờ tả hạ lưu cầu Thuận Phước và khu đất nâng cao bên bờ hữu hạ lưu cầu Thuận Phước về định tính là rất lớn. Rất tiếc Đà Nẵng đã cho xây dựng các công trình này rồi”.

Trong đó một số ý kiến của các chuyên gia về thủy lợi thì đưa ra các cứ liệu khoa học cho rằng dự án lấn sông Hàn có ảnh hưởng nhưng không đáng kể đến dòng chảy và khả năng thoát lũ. GS.TS Phạm Thị Hương Lan - trường Đại học Thủy Lợi cho rằng: “Trên cơ sở tính toán số liệu thì nhận thấy với trận lũ lịch sử tháng 10/1999 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thì tần xuất xuất hiện ở khu vực dự án là khoảng 2%, còn với trận lũ tháng 9/2009, tần xuất xuất hiện khoảng 5% nên có ảnh hưởng nhưng không đáng kể đến dòng chảy và khả năng thoát lũ đối với dự án BĐS và bến du thuyền Marina Complex”.

Về phía chính quyền Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: “Mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra là hướng đến một thành phố đáng sống mà trong đó người dân phải được hưởng thụ những gì thuộc về mình một cách chính đáng nhất. Theo quy luật phát triển mọi thứ luôn vận động, không có cái gì là bất biến. Điều đó có nghĩa là trước sự vận động của xã hội thì các chính sách phải thay đổi mới đáp ứng được thực tiễn. Quy hoạch đô thị và quá trình xây dựng thành phố mặc dù được khen ngợi nhưng hôm nay nhìn lại thì chúng ta cũng đã nhận ra nhiều bất cập, tồn tại cần sớm được điều chỉnh. Qua đây tôi cũng xin chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư và mong nhận được sự hợp tác của nhà đầu tư với quyết sách của thành phố”.
 
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ đầu tư dự án BĐS và bến du thuyền Marina Complextại Đà Nẵng cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn không vi phạm bất cứ quyết định phê duyệt nào trong thực hiện dự án.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, thành phố sẽ trao đổi với nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và nhà đầu tư. Tăng cường diện tích không gian công viên cây xanh, cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn, đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng nhất có thể. Bổ sung các công trình công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Chủ trì Hội nghị phản biện dự án, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết: “Sau Hội nghị này, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến trên cơ sở trung thực và khách quan, công tâm vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của thành phố để gửi đến lãnh đạo và ngành chức năng của thành phố xem xét, nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp khả thi và hữu hiệu nhất. Sau thời gian 10 ngày, UBND thành phố phải trả lời bằng văn bản cho UBMTTQ Việt nam TP Đà Nẵng. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn nhưng không quá 30 ngày để Ban Thường trực UBMT thành phố có trách nhiệm theo dõi việc tiếp thu, giải trình đối với những ý kiến phản biện xã hội tại hội nghị này”.

Và số phận của dự án phải chờ vào quyết định của lãnh đạo Đà Nẵng.

Dự án BĐS và bến du thuyền Marina Complex là dự án thứ 5 lấn sông Hàn, dự án này được UBND thành phố phê duyệt sơ đồ, ranh giới cách đây đã 10 năm theo Quyết định 6652/QĐ-UBND ngày 28/5/2009, có diện tích là 175.012m2, trong đó, phần đất liền là 105.502m2 và mặt nước là 69.3492m2. (phần lấn sông).

Đến đầu năm 2011, UBND thành phố phê duyệt quy hoạch dự án lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26/11/2011 phân ranh giới dự án được tính từ mép công trình kè Mân Quang vào trong, có diện tích 175.512m2, diện tích đất mặt nước, cầu tàu là 63.030m2 (phần lấn sông).

Theo quy hoạch thì khu vực phần lấn sông sẽ xây dựng 13 khối tháp cao từ 16-33 tầng và các công trình bảo dưỡng du thuyền, đất công viên, cây xanh... Dự án này trước đây do Tập đoàn VinaCapital là chủ đầu tư ban đầu, sau đó chuyển nhượng cổ phần của Cty TNHH BĐS và bến du thuyền của Cty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.

Năm 2017, UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh quy hoạch dự án này. Sau điều chỉnh, tổng diện tích dự án giảm xuống còn 117.311m2 diện tích phần đất mặt nước giảm từ 63.003m2 xuống còn 10.000m2. Khu vực phía lấn sông từ chỗ quy hoạch xây dựng 13 khối tháp cao tầng giảm xuống còn 2 khối tháp cao tầng và 57 biệt thự, bố trí lối đi công cộng 8m, không xây dựng tường rào khu vực phía sông, để tạo điều kiện cho dân tiếp cận không gian dọc bờ sông.
Nguyễn Nam